“Tinh binh” yếu, vì đâu nên nỗi?

Năm mới, ai cũng chúc nhau sức khỏe dồi dào, vạn sự như ý, phúc lộc đến nhà, rồi các gia đình có con tuổi cập kê cưới hỏi thì cuối năm có thêm người mới… Mà muốn được như vậy thì phảu có sức khỏe dồi dào. Vậy mà có đến 13% các cặp đôi “chị xã- anh xã” đẹp xinh, xuân hồng phơi phới làm chuyện gì cũng tốt nhưng chỉ có “cuối năm them người” là chưa được như ý. Về quê trong nhà ra đầu hẻm, xóm trên tới khu dưới, nội ngoại hai bên, bà con cô bác, đến bà bán vé số cũng hỏi “có tin vui gì chưa?” rồi nhìn “chị xã” theo kiểu “hồng nhan, bánh bèo” là có lỗi. Thực ra thì gần phân nửa các trường hợp chậm, muộn, hiếm hay vô sinh là do nguyên nhân từ các “anh xã”, mà nguyên nhân ngại ngừng khó nói nhất lại thường gặp nhất là binh lính của mấy ảnh không có đủ năng lực tác chiến, nói cách khác là  “bị yếu”.

Mà thế nào là khỏe?

Tổ chức Y tế Thế giới năm 2010 có cung cấp một tài liệu hướng dẫn về phân tích binh lính của nam giới. Theo đó các “anh lính” sẽ được phân tích đánh giá các thông số về ngoại quan đại thể và vi thể dưới kính hiển vi. Cụ thể là các thông số sau đây:

Thể tích: Sau 3 đến 5 ngày tiết chế “kiêng nhịn”, thì thể tích tinh dịch của một lần xuất tinh là 1.5ml đến 6.0ml. Nếu ít hơn thì gọi là Hypospermia, nếu nhiều hơn thì gọi là Hyperspermia, nếu không có chút nào thì gọi là Aspermia.

Độ nhầy và độ ly giải: Sau khi xuất tinh, tinh dịch ở tình trạng nhầy nhớt, quánh đặc cần phải có thời gian 15 đến 20 phút để ly giải ra lỏng hơn. Nếu tới 60 phút mà vẫn chưa ly giải xong thì xem như bất thường .

Màu sắc: Tinh dịch thường có màu trắng đục, ánh vàng nhẹ.

Độ pH: Tinh dịch có tính kiềm, pH phải cao hơn 7.1

Mật độ: Là số lượng tinh trùng trong 1ml tinh dịch, bình thường mật độ từ 15 triệu tinh trùng trên 1ml tinh dịch, hoặc trên 39 triệu tinh trùng trong 1 lần xuất tinh.

Độ di động: Tỉ lệ phần tram tinh trùng di động tiến tới phải hơn 32%

Tỉ lệ sống: Số lượng tinh trùng sống phải trên 58%

Nồng độ bạch cầu: nếu mẫu tinh dịch có trên 1 triệu bạch cầu trong 1ml tinh dịch là bất thường

Hình dạng: Một tinh trùng bình thường sẽ có phần đầu hình bầu dục chứa bộ gene di truyền, có 1 đuôi dài thẳng có thể vận động để đưa tinh trùng tiến tới để tiếp cận với noãn, phần thân nối đầu với đuôi phải nguyên vẹn vì phần này cung cấp năng lượng để tinh trùng sống và di chuyển tới. Mẫu tinh dịch bình thường phải có trên 4% tinh trùng có hình dạng bình thường.

Nguyên nhân “tinh binh” bị yếu?

Có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của các tế bào tinh trùng bình thường. Thậm chí nhiệt độ của tinh hoàn cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng và số lượng tinh trùng. Một số nguyên nhân chính như:

Bất thường về gen, nhiễm sắc thể : nam giới bị hội chứng Klinefelter 47, XXY thừa một nhiễm sắc thể giới tính hoặc hội chứng Jacob 46,XX, hoặc bị xóa mất vùng gen AZF tạo tinh trùng trên nhiễm sắc thể Y dẫn đến tinh trùng ít hoặc không có tinh trùng.

Tắc nghẽn ống dẫn tinh: Ống dẫn tinh bị tắc nghẽn, dẫn đến tinh trùng không di chuyển từ tinh hoàn đến túi tinh để chuẩn bị cho các lần xuất tinh. Nguyên nhân có thể là do viêm nhiễm ống dẫn tinh, phẫu thuật (như phẫu thuật cắt ống dẫn tinh), bệnh lý của tinh hoàn.

Xuất tinh ngược: Bình thường tinh dịch được bắn ra ngoài cơ thể trong khi xuất tinh. Trong trường hợp xuất tinh ngược, tinh dịch được phóng vào bàng quan. Nguyên nhân là do bất thường thần kinh và cơ ở bàng quan, dẫn đến lỗ niệu đạo sau không đóng chặt trong khi xuất tinh. Trong trường hợp này tinh trùng có thể bình thường nhưng không có cơ hội xuất ra ngoài tiếp cận với noãn để thụ thai. Xuất tinh ngược có thể xảy ra do phẫu thuật, thuốc hoặc các vấn đề về thần kinh – cơ.

Bệnh lý dãn tĩnh mạch thừng tinh: các tĩnh mạch trong tinh hoàn bị dãn, tinh hoàn bị phù nề, tích tụ máu và tăng nhiệt độ tinh hoàn dẫn đến tinh hoàn bị mất khả năng sản xuất tinh trùng. Đây là bệnh rất thường gặp ở nam giới vô sinh.

Các bệnh lý nội khoa như: rối loạn nội tiết, bệnh tự miễn, các bệnh hệ thống, bệnh nhiễm trùng, do dùng thuốc. Dược phẩm có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và trưởng thành của tinh trùng. Một số thuốc điều trị bệnh như: ung thư, thấp khớp, trầm cảm, tiêu hóa, nhiễm trùng, tim mạch…

Lối sống: hút thuốc, sử dụng rượu bia, các chất kích thích, stress, môi trường làm việc độc hại, thậm chí trang phục không phù hợp cũng có thể ảnh hưởng đến tinh hoàn và quá trình sản xuất tinh trùng bình thường.

Làm sao để biết là “yếu”?

Thường khi khó để biết một người nam có hay không bị bất thường về tinh trùng nếu chỉ nhìn tướng mạo bề ngoài. Người mạnh chưa chắc đã có “tinh binh” khỏe, người yếu thì khả năng “tinh binh” không khỏe là rất cao. Vậy làm sao chẩn đoán để biết khỏe hay yếu?

Đến bác sĩ khám: bác sĩ sẽ hỏi về lịch sử, tiền căn các bệnh lý có liên quan của cá nhân và gia đình, các thói quen về sinh hoạt, nghề nghiệp, triệu chứng và dấu hiệu bệnh lý của cơ thể. Ví dụ như tiền sử mắc bệnh quai bị, đái tháo đường, sử dụng thuốc steroids, điều trị phóng xạ – hóa chất trong ung thư, thói quen hút thuốc, sử dụng rượu bia, chất cồn, chất kích thích, tiếp xúc với các tác nhân vật lý, hóa học trong môi trường sống và làm việc có thể làm tổn thương tinh hoàn và tế bào mầm sinh tinh trùng. Khả năng cương dương, các thói quen, hành vi, hoạt động, tư thế trong quan hệ tình dục cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Đôi khi nguyên nhân rất đơn giản là do hẹp da quy đầu ở nam giới hoặc chỉ vì cặp đôi chưa biết quan hệ tình dục là cần thiết để thụ thai.

Phân tích tinh dịch đồ: Đây là xét nghiệm thường quy trong vô sinh. Đối chiếu với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới có thể đánh giá chất lượng và số lượng tinh trùng có hay không đạt yêu cầu.

Làm xét nghiệm: Bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết, đặc biệt là xét nghiệm về nội tiết để tìm nguyên nhân gây bệnh. Một số trường hợp có nội tiết FSH rất cao báo hiệu tinh hoàn bị “đơ” và không sản xuất được tinh trùng.

Thăm dò chức năng: xét thấy cần thiết bác sĩ có thể chỉ định làm thêm các khảo sát, thủ thuật thăm dò chức năng để tìm kiếm nguyên nhân như siêu âm bụng, siêu âm trực tràng, sinh thiết tinh hoàn, sinh thiết mào tinh.

Làm sao để hết “yếu”?

Vô sinh và điều trị vô sinh là một vấn đề sức khỏe quan trọng và phức tạp. Nên khám và thực hiện điều trị theo sự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân nên hết sức cảnh giác trước các lời đồn, thông tin truyền miệng rỉ tai và các kinh nghiệm dân gian vì chúng thường không được kiểm chứng khoa học có thể dẫn đến mất thời gian, hao tiền của, thậm chí bệnh tình còn nặng thêm.

TS. BS Nguyễn Khắc Hân Hoan

Bệnh viện Từ Dũ

Theo Tạp chí Sức Khỏe