Xét nghiệm HP là gì?
Vi khuẩn HP, tên khoa học là H. pylori, tác nhân hàng đầu gây ra các vấn đề về dạ dày, tá tràng. Theo 1 nghiên cứu mới, tỉ lệ nhiễm HP tại Việt Nam đã lên tới 70%. Việc tìm hiểu rõ xét nghiệm HP là gì, cách thức thực hiện thế nào sẽ giúp người bệnh chuẩn bị và chủ động hơn trong việc phát hiện và tuân theo phác đồ điều trị.
Các phương pháp xét nghiệm HP
Một số phương pháp hay được sử dụng để phát hiện vi khuẩn HP trong dạ dày như nội soi dạ dày, kiểm tra máu, test vi khuẩn HP bằng hơi thở, xét nghiệm phân tìm vi khuẩn HP…
Nội soi dạ dày tìm vi khuẩn HP
Đối với phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng 1 ống nội soi có gắn kèm camera đưa vào dạ dày thông qua ống thực quản. Bác sĩ sẽ tìm đúng vị trí bị loét, lấy một mảnh sinh thiết ở vùng dạ dày tổn thương. Mẫu sinh thiết này được đem đi nuôi cấy vi khuẩn, hoặc làm Clotest để xác định sự hiện diện của vi khuẩn HP. Sử dụng phương pháp nội soi dạ dày không chỉ xác định được bệnh nhân có dương tính với HP hay không mà còn giúp quan sát hình thái dạ dày, chẩn đoán chính xác bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng. Đồng thời đánh giá được mức độ tổn thương để tìm hướng điều trị an toàn. Tuy thủ thuật này có thể gây khó chịu trong lúc thực hiện, đây là 1 thủ thuật quan trọng, cần thiết, tính chính xác cao.
Test HP bằng hơi thở
Phương pháp này dễ thực hiện, không gây ra đau đớn hay khó chịu nên được nhiều bệnh nhân lựa chọn. thực hiện xét nghiệm qua hơi thở có thể phát hiện bạn bị nhiễm HP hay không nhờ vào thiết bị đo đặc biệt với thông số DPM ( độ phân giải của chất phóng xạ trong một phút)
DPM<50: vi khuẩn HP âm tính
DPM từ 50- 199: Không xác định được vi khuẩn HP dương tính hay âm tính
DPM > 200: vi khuẩn HP dương tính
Xét nghiệm máu
Kiểm tra nồng độ kháng thể chống lại vi khuẩn HP. Nếu kết quả có kháng thể với vi khuẩn HP trong máu có nghĩa là bạn bị nhiễm vi khuẩn HP.
Xét nghiệm kháng nguyên trong phân
Thực hiện xét nghiệm kháng nguyên trong phân để kiểm tra xem có các chất kích hoạt hệ thống miễn dịch chống lại vi khuẩn HP. Kết quả của xét nghiệm này nhằm hỗ trợ chẩn đoán nhiễm vi khuẩn HP hoặc xem việc điều trị cho một bệnh nhân bị nhiễm HP có đạt hiệu quả hay không.
Khi nào cần xét nghiệm HP?
Xét nghiệm HP là cần thiết khi bạn bị đau dạ dày, hoặc có các dấu hiệu: đau bụng nhiều lần, giảm cân không rõ nguyên nhân, ợ chua, buồn nôn, … hoặc các triệu chứng nặng hơn như đau dạ dày dữ dội, phân đen hoặc có máu trong phân.
Tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ quyết định xem có cần phải điều trị hay không, nếu điều trị thì phác đồ như thế nào. Do đó, khi xét nghiệm HP dương tính, hãy trao đổi với các bác sĩ chuyên khoa để có phương pháp điều trị hiệu quả nhất.