Nhiễm khuẩn hậu sản

  1. Nhiễm khuẩn hậu sản là gì

Nhiễm khuẩn hậu sản, hay còn gọi là nhiễm trùng sau sinh, là hiện tượng xảy ra khi vi khuẩn tấn công bộ phận sinh dục và khu vực xung quanh sau khi người phụ nữ trải qua quá trình sinh nở. người bệnh thường bị nhiễm khuẩn ở các khu vực tầng sinh môn, âm đạo, âm hộ, cổ tử cung hoặc trong tử cung. Bên cạnh đó, một số ít trường hợp bệnh nhân bị nhiểm trùng máu sau sinh, diễn biến phức tạp khó điều trị, tỉ lệ tử vong cao. Nhiễm khuẩn hậu sản là tai biến hay gặp nhất trong 5 tai biến sản khoa.

2. Triệu chứng nhiễm khuẩn hậu sản

Tùy thuộc vào vị trí cừ trú của vi khuẩn gây nhiễm trùng sẽ có các triệu chứng biểu hiện khác nhau:

Nhiễm khuẩn tầng sinh môn gây âm hộ phù nề, sưng to, mưng mủ vết khâu tầng sinh môn

Nhiễm khuẩn âm đạo, cổ tử cung gây hiện tượng chảy dịch kèm theo mùi hôi, sản phụ cảm thấy đau đớn khi thăm khám

Nhiễm khuẩn tử cung tuy ít gặp hơn nhưng lại nặng hơn, sản phụ bị ra nhiều dịch có mùi hôi thối khó chịu, có khi chảy máu, tử cung rất đau khi thăm khám.

Nhiễm khuẩn hậu sản phần phụ như buồng trứng, vòi trứng, dây chằng… thường kéo dài và dễ chuyển thành bệnh mạn tính nếu không được thăm khám điều trị dứt điểm.

Một số triệu chứng thường gặp khác bao gồm sốt cao, có cảm giác ớn lạnh, da xanh xao (có thể là do mất máu), đau đầu, chán ăn, nhịp tim tăng cao…

Nguy hiểm hơn, vi khuẩn có thể từ cơ quan sinh dục đi vào máu dẫn đến tình trạng nhiễm trùng máu sau sinh, tỉ lệ tử vong cao.

Những triệu chứng này có thể mất vài ngày sau sinh mới xuất hiện, đôi khi là sau khi sản phụ xuất viện về nhà. Do vậy, ngay cả khi đã được thăm khám và xuất viện, sản phụ vẫn nên cẩn thận theo dõi các triệu chứng mình gặp phải và báo ngay cho bác sĩ khi có bất thường.

3. Nguyên nhân

Tất cả các loại vi khuẩn thông thường đều có thể là tác nhân gây ra tình trạng nhiễm trùng sau sinh, bao gồm tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, trực khuẩn Coli, vi khuẩn kị khí như Clostridium, Bacteroides…  Nhiễm khuẩn hậu sản có thể xảy ra do sản phụ bị nhiễm khuẩn âm hộ, tầng sinh môn, âm đạo… do quá trình khâu tầng sinh môn không được đảm bảo vấn đề vô khuẩn; do viêm phúc mạc sau sinh gặp trong trường hợp mổ lấy thai bị vỡ tử cung, nhiễm khuẩn ối, quên gạc khi mổ, vô trùng kém.

Một số nguyên nhân khác cũng khiến cho sản phụ dễ mắc phải tình trạng nhiễm khuẩn hậu sản, bao gồm:

Thiếu máu

Béo phì

Tiền sử viêm âm đạo do vi khuẩn

Thăm khám âm đạo quá nhiều lần trong quá trình chuyển dạ

Không khám thai trong quá trình mang thai

Chuyển dạ kéo dài

Chảy máu quá nhiều sau sinh

Sản phụ thuộc nhóm kinh tế xã hội thấp

4. Điều trị

Nhiễm trùng hậu sản thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh đường uống. Tùy thuộc vào loại vi khuẩn bác sĩ nghi ngờ gây ra nhiễm trùng mà bệnh nhân sẽ được kê toa với loại kháng sinh phù hợp.

5. Phòng tránh

Với sự phát triển của khoa học và y học, áp dụng các phương pháp vô khuẩn, khử khuẩn vào các ca sinh nở, tỉ lệ sản phụ bị nhiểm khuẩn sau sinh đã giảm mạnh, tuy vậy tình trạng này vẫn còn diễn ra tại một số vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Nhằm phòng ngừa tình trạng nhiềm khuẩn hậu sản, thai phụ cần có ý thức giữ gìn vệ sinh sạch sẽ trong thời kì mang thai, đặc biệt là những ngày cận sinh. Thai phụ cần đến sinh con ở nhà hộ sinh, trung tâm y tế hoặc bệnh viện và phải được theo dõi chặt chẽ sau sinh bởi đội ngũ y bác sĩ. Cần được theo dõi sau sinh từ 1 đến 5 ngày, ổn định mới được về nhà. Sau khi xuất viện, nếu có các biểu hiện bất thường cần đến khám ngay ở các cơ sở y tế.

Trong quá trình thăm khám thai và sinh nở, cần đảm bảo các thủ tục vô trùng khử khuẩn. Các thủ thuật đưa tay vào buồng tử cung phải thật hạn chế. Trong trường hợp có chỉ định, cần phải đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối. Yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của nhiễm trùng sau sinh chính là kiểu sinh. Nếu bạn biết bạn có khả năng phải sinh mổ, bạn có thể nên chuyện với bác sĩ chuyên môn nhằm được tư vấn về các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng.