Axit folic hay Vitamin B9 hay Folacin hay Folat là các dạng hòa tan trong nước của vitamin B9, cần thiết và quan trọng trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày của cơ thể người, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh để phục vụ các quá trình tạo mới tế bào, giúp các tế bào tăng trưởng và phát triển.
Axit folic có ở đâu?
Axit folic có mặt tự nhiên trong thức ăn và cũng có thể thu từ thuốc uống bổ trợ. Những thực phẩm có nguồn axit folic dồi dào gồm:
- Các loại rau như rau chân vịt, rau diếp cá, đậu bắp, măng tây, củ cải, bông cải xanh, cải bruxen và rau bina cùng các loại hạt như đậu khô, đậu hà lan hay men, nấm.
- Trái cây như chuối, dưa gang, chanh, nước ép cam, bưởi.
- Gan và thận bò.
- Ngoài ra các nhà sản xuất thường thêm axit folic vào trong các loại thực phẩm như sữa, ngũ cốc, bột mì, bánh mì, mì ống, nguyên liệu làm bánh, bánh quy, bánh cookie.
Công dụng của Axit Folic
Tác dụng của axit folic đối với cơ thể là giúp sản xuất và duy trì các tế bào mới và đồng thời giúp ngăn ngừa những thay đổi ở DNA có thể dẫn đến ung thư. Axit folic được sử dụng như một loại thuốc điều trị chứng thiếu axit folic và một số loại bệnh thiếu máu (thiếu các tế bào hồng cầu) gây ra do thiếu hụt axit folic. Axit folic đôi khi được dùng kết hợp với các thuốc khác để điều trị bệnh thiếu máu ác tính. Tuy nhiên thuốc không thể điều trị bệnh thiếu vitamin B12 và không ngăn chặn chứng tổn thương tủy sống có thể xảy ra.
Vai trò của axit folic trong thai kỳ:
- Ngăn ngừa khuyết tật bẩm sinh: Việc bổ sung đủ lượng axit folic vào thời điểm mang thai giúp thai nhi phát triển bình thường và khỏe mạnh, ngăn ngừa các khuyết tật bẩm sinh nghiêm trọng ở não và tủy sống như khiếm khuyết ở ống thần kinh (NTDs), nứt đốt sống hoặc có thể sinh ra thiếu một phần não bộ.
- Phòng tránh bệnh thiếu máu: Axit folic đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp các tế bào máu cho cơ thể, chúng giúp tạo ra các tế bào mới, bao gồm hồng cầu nên cần bổ sung đầy đủ axit folic cho mẹ bầu và thai nhi để ngăn được tình trạng thiếu máu, tránh xảy ra các trường hợp sảy thai, sinh non, dễ mắc chứng rối loạn tâm thần sau sinh, suy dinh dưỡng bào thai hoặc trẻ mới sinh ra mắc các bệnh về tim mạch, hở hàm ếch nếu mẹ thiếu axit folic nghiêm trọng.
- Ngăn chặn một số bệnh lý khác: Axit folic còn được sử dụng cho chứng mất trí nhớ, bệnh mất trí, nghe kém do tuổi tác, giảm dấu hiệu lão hóa, xương yếu (loãng xương), chân bồn chồn, khó ngủ, trầm cảm, đau thần kinh, đau cơ bắp, AIDS, bệnh bạch biến và hội chứng Fragile-X.
Tác dụng của axit folic đối với trẻ em
- Khả năng ngôn ngữ của trẻ: Axit folic đóng vai trò to lớn trong việc giảm nguy cơ trẻ phát triển chậm ngôn ngữ. Axit folic có rất nhiều lợi ích cho mẹ và thai nhi bởi nó tác động đến sự phát triển trí não và phòng tránh khỏi những nguy cơ khuyết tật ống thần kinh (NTD – Neural Tube Defects) ở trẻ.
- Sức khỏe trẻ nhỏ: Axit folic còn có khả năng giúp ngăn chặn những dị tật bẩm sinh ống thần kinh nằm xung quanh hệ thần kinh trung ương do các ống này không khép kín và những dị tật về não, tủy sống như trẻ không có não và hộp sọ thường khó sống lâu hoặc tật nứt đốt sống gây khuyết tật vĩnh viễn.
Uống axit folic khi nào?
Bổ sung axit folic khi cơ thể bị thiếu axit folic, dấu hiệu nhận biết:
- Vấn đề nhận thức như trầm cảm, khó tập trung, dễ quên, cáu kỉnh, sa sút trí nhớ
- Đau nhức cơ thể
- Da nhợt nhạt
- Khó thở
- Vấn đề tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau bụng và tiêu chảy, chán ăn kéo dài
- Loét miệng, sưng lưỡi
- Giảm vị giác
Axit folic đặc biệt cần thiết cho tất cả các phụ nữ chuẩn bị mang thai. Trong khoảng thời gian ngay trước và ngay sau khi thụ thai, cần ăn đủ axit folic và uống thêm thuốc bổ trợ chứa axit folic, để bào thai được phát triển khỏe mạnh, tránh được các biến cố bào thai hay bệnh tật bẩm sinh nguy hiểm cho thai nhi. Lượng axit folic bà bầu cần bổ sung theo từng giai đoạn dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ để có liều lượng axit folic phù hợp cũng như được theo dõi và làm xét nghiệm sàng lọc dị tật trong quá trình mang thai.
Lượng khuyến cáo vừa đủ cho mọi phụ nữ trước khi mang thai: 400 mcg, trong 3 tháng đầu mang thai: 400 mcg, từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 9: 600mcg, khi cho con bú: 500 mcg. Nếu nạp axit folic từ viên vitamin tổng hợp, bạn hãy nhớ kiểm tra xem lượng axit folic trong một liều đã đủ hay chưa. Ngoài ra, mẹ cũng có thể nạp axit folic từ thực phẩm bổ sung.
Một vài phụ nữ có nguy cơ sinh con bị ảnh hưởng bởi khuyết tật ống thần kinh cao có thể được khuyến nghị nên dùng một liều cao hơn 5 mg axit folic mỗi ngày cho đến khi thai được 12 tuần. Nguy cơ sinh con bị khuyết tật ống thần kinh tăng cao nếu người phụ nữ hoặc chồng của họ bị khuyết tật ống thần kinh, từng có thai và thai nhi đó bị khuyết tật ống thần kinh hoặc chồng của họ có tiền sử gia đình bị khuyết tật ống thần kinh hoặc mắc bệnh tiểu đường.
Những vấn đề cần lưu ý
Khi sử dụng vitamin axit folic cần lưu ý
- Nên uống axit folic giữa 2 bữa ăn
- Vitamin C sẽ làm tăng hấp thu sắt. Do đó bạn hãy uống viên sắt – axit folic chung với nước cam hoặc nước trái cây
- Tránh uống thuốc với nước trà, cà phê, rượu vì axit folic sẽ làm giảm khả năng hấp thu
- Uống axit folic thường hay bị táo bón nên cần uống nhiều nước và ăn nhiều chất xơ.
- Nên dùng axit folic một cách chính xác theo quy định của bác sĩ. Không dùng với số lượng lớn hơn hoặc lâu hơn so với quy định. Thực hiện theo các hướng dẫn trên nhãn thuốc. Uống axit folic với nhiều nước. Bác sĩ đôi khi có thể thay đổi liều lượng để chắc chắn thuốc phát huy hiệu quả tốt nhất cho bạn. Báo với bác sĩ nếu tình trạng bệnh của bạn không thuyên giảm hoặc trở nên nặng hơn.